Chợ Tân Định Ở Đâu? Kinh Nghiệm Mua Sắm Tại Chợ Tân Định Quận 1
Chợ Tân Định Ở Đâu? Kinh Nghiệm Mua Sắm Tại Chợ Tân Định Quận 1
Chợ Tân Định là khu chợ nổi bật với kiến trúc cổ kính mang đậm dấu ấn thời Pháp thuộc cùng đa dạng mặt hàng, đặc biệt là vải vóc chất lượng cao và ẩm thực phong phú. Chợ Tân Định còn được biết đến với cái tên "chợ nhà giàu" và "Chợ Vải Tân Định". Tọa lạc tại số 336 đường Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, chợ Tân Định gồm các khu chợ đặc biệt như khu vải vóc, khu ẩm thực, khu thực phẩm tươi sống và khu kinh doanh vàng bạc. Hãy tham khảo bài viết của Ahamove để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về chợ Tân Định để giải đáp chợ Tân Định ở đâu, chợ bán gì cũng như kinh nghiệm mua hàng tại chợ Tân Định
1. Chợ Tân Định ở đâu?
Chợ Tân Định có địa chỉ nằm ở số 336 đường Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, ngay góc đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Hữu Cầu.. Đây là khu vực trung tâm của thành phố, nằm gần nhà thờ Tân Định nổi tiếng với màu hồng đặc trưng. Ngôi chợ có vị trí đắc địa khi sở hữu đến 4 mặt tiền, giáp với 4 con đường lớn: Hai Bà Trưng, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Văn Nghĩa và Mã Lộ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển đến chợ từ nhiều hướng khác nhau.
Hình ảnh cổng chợ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng (Ảnh: Sưu tầm Internet)
2. Lịch sử của Chợ Tân Định
Chợ Tân Định có tiền thân là chợ Phú Hòa (thuộc thôn Phú Hòa cũ). Theo các ghi chép từ những năm 1870-1880, chợ Phú Hòa là một trong những chợ quan trọng nhất ở phía Bắc Sài Gòn thời bấy giờ. Đến năm 1926, Hội đồng thành phố Sài Gòn tiến hành xây dựng lại chợ với kinh phí 110.000 đồng Đông Dương, nhằm nâng cao tiêu chuẩn và tăng nguồn thu ngân sách từ việc bán quyền sử dụng mặt bằng cho các tiểu thương.
Chợ Tân Định chính thức khánh thành vào ngày 26/7/1927 trong một buổi lễ vô cùng tưng bừng và long trọng, có sự tham dự của nhiều quan chức cao cấp của chính quyền thuộc địa, bao gồm Thống đốc Nam Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản hạt, và Thị trưởng Sài Gòn. Vào thời điểm bấy giờ, chợ Tân Định được biết đến là khu chợ của... nhà giàu vì giá cả thường rất cao so với mặt bằng chung.
Công ty xây dựng của Pháp, Société Indochinoise d'Études et de Constructions (SIDEC), đã giành được hợp đồng thiết kế và thi công chợ Tân Định, cùng với Bệnh viện Saint Paul (nay là Bệnh viện Mắt). Kiến trúc chợ mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp với 3 tháp chuông, một tháp nằm giữa và 2 tháp nằm hai bên, tạo nên vẻ đẹp độc đáo kết hợp giữa phong cách Gothic, Roman và Baroque.
Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, phía khu vực hai bên chợ Tân Định còn có thêm cả bãi đậu xe hơi và đằng sau chợ là một bến xe ngựa trên con đường mang tên Mã Lộ. Đường Mã Lộ hiện vẫn còn tồn tại và là một trong những con đường ngắn nhất ở Sài Gòn. Thời xưa, đây là nơi các xe ngựa chờ đón khách đi chợ Tân Định hoặc vận chuyển hoa Tết từ Gò Vấp lên bán. Khi ấy, hàng chục chiếc xe ngựa nối đuôi nhau đỗ dọc đường, mỗi chiếc xe có thể chở tối đa 6 người, ngồi co chân đối diện nhau.
Một điều thú vị là cách đường Mã Lộ khoảng 500m, khu vực ven kênh Nhiêu Lộc, ngay trước đình Xuân Hòa xưa từng có một bến gọi là Bến Tắm Ngựa. Vào buổi trưa, khi ít khách, các chủ xe ngựa thường dắt xe từ đường Mã Lộ đến đây, dẫn ngựa xuống bến để tắm mát, tạo nên khung cảnh sinh hoạt đặc trưng của Sài Gòn xưa.
3. Di chuyển đến chợ Tân Định như thế nào?
Vì chợ Tân Định tọa lạc tại trung tâm thành phố nên việc di chuyển đến đây khá thuận tiện với nhiều phương tiện khác nhau, bạn có thể đi theo lộ trình và tuyến xe buýt sau:
- Xe máy/ô tô: Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn có thể đi qua các con đường như Hai Bà Trưng, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Văn Nghĩa hoặc Mã Lộ để đến chợ. Tại đây có bãi giữ xe ở đường Nguyễn Hữu Cầu hoặc bạn có thể gửi xe tại công viên Lê Văn Tám (dành cho ô tô) hoặc khu vực Lê Văn Tám - Võ Thị Sáu (dành cho xe máy).
- Xe buýt: Các tuyến xe buýt như 03, 31, 36 có trạm dừng tại đường Hai Bà Trưng. Bạn chỉ cần đi xe buýt đến trạm Hai Bà Trưng, sau đó xuống xe và đi bộ khoảng 100m là đến chợ.
Khu vực xung quanh chợ Tân Định thường xuyên ùn tắc, đặc biệt trên đường Hai Bà Trưng với nhiều xe buýt và xe máy di chuyển. Vì vậy, bạn nên cân nhắc thời gian đi lại để tránh giờ cao điểm.
4. Chợ Tân Định mở cửa lúc mấy giờ?
Chợ Tân Định mở cửa từ 5:00 sáng đến 23:00 sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, các sạp đồ ăn thường linh hoạt theo khung giờ riêng, thường là 5:00-10:00 sáng hoặc 18:00-23:00 tối. Khu ẩm thực đêm trên đường Nguyễn Hữu Cầu đặc biệt sôi động vào buổi tối, với nhiều món ăn phục vụ đến khuya như cháo ếch Singapore (mở cửa từ 19:00-2:00).
Chợ Tân Định hoạt động từ sáng sớm đến tối muộn (Ảnh: Sưu tầm Internet)
5. Chợ Tân Định có gì đặc biệt?
Chợ Tân Định nổi bật với kiến trúc cổ kính mang đậm dấu ấn thời Pháp thuộc, được xây dựng từ năm 1926 và khánh thành vào năm 1927. Thiết kế đặc trưng của chợ bao gồm 3 tháp chuông: một tháp lớn ở giữa và hai tháp nhỏ hai bên. Tháp chuông trung tâm vẫn giữ nguyên quả chuông cổ và đồng hồ xưa trên cổng chợ, tạo nên vẻ đẹp cổ kính và độc đáo.
Chợ từng được mệnh danh là "chợ nhà giàu" vì thời xưa giá cả tại đây thường cao hơn mặt bằng chung. Đặc biệt, vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, phía hai bên chợ còn có bãi đậu xe hơi và phía sau chợ là bến xe ngựa trên con đường mang tên Mã Lộ (hiện vẫn còn tồn tại).
6. Chợ Tân Định bán gì?
Chợ Tân Định bán đa dạng mặt hàn từ vải vóc, quần áo, thực phẩm tươi sống bên cạnh đó còn có ẩm thực phong phú. Được mệnh danh là "Chợ Vải Tân Định", nơi đây cung cấp đủ loại vải từ bình dân đến cao cấp như vải cotton thoáng mát, vải ren sang trọng, vải nhung quý phái, vải voan bông rực rỡ. Đặc biệt, chợ nổi tiếng với loại vải vụn có giá rẻ nhất Sài Gòn. Dọc đường Hai Bà Trưng và gần nhà thờ Tân Định có nhiều cửa hàng áo dài nổi tiếng.
Bên cạnh đó chợ còn bán nhiều loại thực phẩm phong phú như thịt, cá, rau củ quả với chất lượng cao. Đặc biệt khu vực đường Nguyễn Văn Nghĩa tập trung các quầy bán thịt heo tươi ngon.
Chợ Tân Định nổi tiếng với các loại vải vóc đa dạng (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Quầy thực phẩm tươi tại chợ Tân Định (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Nhiều loại quần áo được bày bán trong chợ Tân Định (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Chợ Tân Định bày bán nhiều loại ẩm thực phong phú (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Các tiệm vàng gần chợ Tân Định là nơi đổi ngoại tệ nổi tiếng (Ảnh: Sưu tầm Internet)
7. Lưu Ý Khi Đi Chợ Tân Định
Để có trải nghiệm mua sắm tốt nhất tại chợ Tân Định, bạn nên:
- Chọn thời điểm thích hợp để đến chợ. Nên đi vào buổi trưa hoặc chiều để tránh đông đúc. Nếu muốn mua thực phẩm tươi thì nên đi sớm vào buổi sáng.
- Gửi xe an toàn tại các bãi giữ xe trên đường Nguyễn Hữu Cầu hoặc bãi xe của Bệnh viện Quận 1 đường Hai Bà Trưng.
- Đặt hàng trước 1-2 tuần nếu mua vải vóc số lượng lớn hoặc vào các dịp lễ, Tết để đảm bảo có đủ hàng và được phục vụ tốt.
- Chọn những sạp hàng uy tín được nhiều người mua để đảm bảo chất lượng và tránh bị mua nhầm hàng kém.
- Thương lượng giá cả - thường có thể giảm được 5-10% giá niêm yết, đặc biệt khi mua với số lượng nhiều.
- Tìm hiểu giờ mở cửa của các quán ăn vì mỗi quán có thời gian hoạt động khác nhau (ví dụ: cháo ếch Singapore mở từ 19:00-2:00, quán xôi từ 17:00-24:00).
- Mang theo tiền mặt vì đa số tiểu thương không chấp nhận thanh toán điện tử.
- Bảo vệ tư trang cẩn thận khi đến nơi đông người, mặc dù chợ Tân Định ít khi xảy ra trường hợp móc túi.
Chợ Tân Định với lịch sử gần 100 năm không chỉ là nơi mua sắm mà còn là điểm tham quan văn hóa độc đáo giữa lòng Sài Gòn. Từ kiến trúc cổ kính mang đậm dấu ấn Pháp đến đa dạng mặt hàng vải vóc và ẩm thực phong phú, chợ Tân Định xứng đáng là điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá thành phố Hồ Chí Minh. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các khu chợ nổi tiếng khác như Chợ Bình Tây, Chợ Bến Thành, Chợ Bà Chiểu, hãy tham khảo thêm các bài viết chuyên đề về chợ Việt Nam trong chuyên mục bài viết của Ahamove.