Cúng về nhà mới: Thời gian cúng, mâm cúng kèm văn khấn chi tiết

cùng về nhà mới

Cúng nhà mới hay còn gọi là lễ nhập trạch nhà mới là lễ cúng để thông báo và xin phép thần linh cai quản khu vực mới, cầu mong sự phù hộ, bình an cho gia đình. Mâm cúng thường bao gồm ngũ quả, hương hoa, và thức ăn (mặn hoặc chay). Ngũ quả là 5 loại trái cây tươi theo mùa. Hương hoa gồm hoa tươi, đèn cầy, nhang, trầu cau, và vàng mã. Các món ăn có thể là gà luộc, xôi (mâm mặn) hoặc đậu hủ, rau củ xào (mâm chay). Thêm vào đó là gạo, muối, rượu, trà, nước, và các vật phẩm khác tùy gia đình. Khi thực hiện cúng nhập trạch, gia chủ nên đốt và bước qua lò than trước tiên, các thành viên khác nên mang theo tài sản có giá trị. Tránh mang nước vào nhà đầu tiên. 

Bài viết này của Ahamove sẽ giải thích chi tiết về cúng nhà mới có ý nghĩa gì,  cách chọn ngày, cúng nhà mới gồm những gì và những lưu ý khi cúng nhà mới.

Cúng nhà mới (nhập trạch) có ý nghĩa gì?

Lễ cúng Nhập Trạch không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà còn có vai trò quan trọng trong phong thủy. Cụ thể:

  • Gia chủ cúng về nhà mới để thông báo với Thổ Công, các vị thần linh cai quản khu vực và tổ tiên về việc gia đình đã chuyển đến nơi ở mới. Đồng thời, đây cũng là lời cầu xin các vị phù hộ, mang lại sự an lành và may mắn cho gia đình.
  • Xua đuổi năng lượng tiêu cực: Trong phong thủy, lễ Nhập Trạch giúp xua đuổi những vong linh và năng lượng xấu, thanh tẩy không gian, đảm bảo sự thanh tịnh cho ngôi nhà mới.
  • An vị bàn thờ: Đây cũng là dịp để an vị bàn thờ thần linh và gia tiên ở vị trí phong thủy tốt nhất, tạo sự hài hòa giữa không gian sống và yếu tố tâm linh.
bài cúng về nhà mới
Cúng Nhập Trạch (Ảnh: Internet)

Cúng nhà mới (lễ nhập trạch) nên được thực hiện vào ngày tốt, tức ngày hoàng đạo, để đảm bảo may mắn và bình an cho gia chủ. Dưới đây là 4 cách phổ biến để chọn ngày tốt để thực hiện cúng nhà mới: 

  • Chọn ngày theo tuổi: Đây là phương pháp phổ biến nhất, dựa vào tuổi của gia chủ. Nếu tuổi gia chủ không hợp, có thể mượn tuổi của người thân trong gia đình (vợ/chồng, con cái) để đứng ra làm lễ.
  • Chọn ngày hoàng đạo: Những ngày tốt trong tháng (ngày hoàng đạo) có thể tra cứu trong lịch vạn niên hoặc tham khảo ý kiến thầy phong thủy.
  • Chọn ngày theo ngũ hành: Dựa vào mệnh của gia chủ để chọn ngày tương sinh, nhằm tăng cường may mắn và thịnh vượng.
  • Chọn ngày theo hướng nhà: Hướng nhà cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc chọn ngày cúng, thường được tư vấn từ giai đoạn xây nhà.

Những ngày cần tránh: Tuyệt đối không làm lễ vào các ngày xấu như mùng 1, ngày rằm, ngày Nguyệt Kỵ và ngày Tam Nương (theo lịch âm) để tránh vận xui.

Cúng về nhà mới gồm những gì?

Mâm cúng nhà mới cần được chuẩn bị đầy đủ, tươm tất. Gia chủ có thể sắp xếp thành ba mâm nhỏ hoặc gộp chung vào một mâm lớn tùy điều kiện.

  • Mâm ngũ quả: Gồm 5 loại trái cây tươi ngon, tượng trưng cho ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ) và mong cầu 5 điều Phúc – Quý – Thọ – Khang – Ninh. Tránh dùng trái cây giả.
  • Hoa tươi: Nên chọn các loại hoa mang ý nghĩa tốt như hoa cúc, huệ, hồng, sen, đồng tiền để tạo không gian trang trọng. Tránh hoa ly, râm bụt, phong lan, lan móng rồng.
  • Mâm cơm: Có thể là mâm cúng mặn (bộ tam sên: thịt heo luộc, trứng luộc, tôm/cua luộc; gà luộc, xôi hoặc cơm trắng) hoặc mâm cúng chay (đậu hũ, rau củ xào, xôi, chè) tùy theo ý nguyện và phong tục địa phương.
  • Lễ vật khác: 3 chén trà, 3 chén rượu, 3 điếu thuốc để dâng lên thần linh và gia tiên.

Cúng nhà mới quay mặt hướng nào?

Khi cúng nhà mới, bạn nên quay mặt ra phía cửa chính (hướng ra đường) để thắp hương và khấn vái. Đây là hướng đón nhận sinh khí và may mắn, đồng thời thể hiện lòng thành kính với thần linh và tổ tiên. Mâm cúng nên được đặt ở vị trí thoáng đãng, sạch sẽ, hướng ra phía trước như giữa nhà, gần cửa chính hoặc gần ban công hướng về phía mặt trời. 

Việc này không chỉ giúp đón nhận năng lượng tích cực mà còn góp phần mang lại sự bình an và tài lộc cho gia đình khi chuyển về tổ ấm mới. Nếu có phòng thờ riêng, có thể đặt tại đó. Mâm cúng cần được đặt trên bàn lớn, đảm bảo không gian xung quanh rộng rãi, sạch sẽ và thông thoáng.

cúng nhập trạch đơn giản
Mâm cúng Nhập Trạch (Ảnh: Internet)

Hướng dẫn các bước cúng về nhà mới chi tiết nhất

Dưới đây là 10 bước cơ bản để thực hiện nghi lễ nhập trạch một cách chuẩn xác:

  1. Đốt lò than: Đặt lò than đã đốt nóng ngay trước cửa ra vào.
  2. Sắp xếp đồ cúng: Chuẩn bị mâm lễ cúng và các đồ đạc cần thiết.
  3. Gia chủ bước qua lò than: Gia chủ là người đầu tiên bước qua lò than vào nhà (bước chân trái trước), tay cầm bát hương và bài vị gia tiên.
  4. Các thành viên khác: Lần lượt từng người trong gia đình bước qua lò than, mỗi người mang theo một vật phẩm may mắn.
  5. Mở cửa và bật điện: Vào nhà, gia chủ bật toàn bộ công tắc điện và mở cửa để đón luồng khí mới. Sau đó, sắp xếp mâm cúng, bàn thờ gia tiên, thổ địa và các lễ vật.
  6. Thắp hương và khấn: Gia chủ thắp hương, đọc văn khấn thần linh trước, sau đó là văn khấn gia tiên. Các thành viên khác chắp tay nghiêm trang phía sau.
  7. Khai hỏa: Gia chủ bật bếp nấu nước pha trà, để nước sôi trong 5-7 phút để khai hỏa, mang lại sinh khí. Trà pha xong được đặt lên mâm cúng và mời mọi người cùng thưởng thức.
  8. Hóa vàng: Khi nhang tàn, tiến hành hóa vàng và tưới rượu lên tàn tro.
  9. Giữ lại gạo, muối và nước: Đặt các hũ gạo, muối và nước lên bàn thờ Táo Quân để tượng trưng cho sự no đủ.
  10. Sắp xếp đồ đạc: Sau khi lễ hoàn tất, gia đình có thể chuyển đồ vào nhà và sắp xếp lại gọn gàng.

Bài khấn cúng nhà mới đơn giản, ngắn gọn dễ nhớ

Lễ cúng nhập trạch gồm 2 phần chính: Văn khấn Thần Linh và Văn khấn Cáo Yết Gia Tiên. Gia chủ cần đọc văn khấn thần linh trước rồi mới đến khấn gia tiên sau. Khi đọc cần thành tâm, nghiêm túc, tránh lơ đễnh hoặc nói chuyện riêng.

Văn khấn cúng về nhà mới bái cúng thần linh

“Kính Lạy:

Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư Vị Tôn Thần

Các Ngày Bản Xứ Thần Linh Thổ Địa, Bản Gia Táo Quân cùng Các Thần Linh Cai Quản Trong Khu Vực Này.

Hôm nay là ngày……tháng……năm……

Tín chủ chúng con là………

Hiện ngụ tại……..Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật các thứ cúng dâng bày ra trước án, kính cẩn tâu trình: Nay gia đình chúng con công trình viên mãn, chọn được ngày lành tháng tốt dọn đến cư ngụ, phần sài nhóm lửa, kính lễ khánh hạ. Cúi xin chư vị Linh thần cho phép chúng con, được rước vong linh Tiên Tổ về đây thờ phụng để tỏ tấc lòng hiếu thuận của con cháu. Nguyện xin chư vị tâm thành chứng minh, độ cho chúng con từ đây gia đạo an khương, làm ăn thuận lợi, sanh ý hưng long, đinh tài lưỡng vượng.

Tín chủ lại mời các vị Hương Linh phảng phất trong khu vực này, các Linh Hồn Chiến sĩ trận vong, các oan hồn uổng tử không nơi nương tựa quanh đây xin cùng tề tựu hâm hưởng lễ vật. Tín chủ thành tâm lễ tạ Chư vị Hương Linh bấy lâu đã hộ trì tín chủ khởi công thuận lợi, cho đến nay đã hoàn tất thi công, tín chủ lại xin các vị tiếp tục phù trì tìn chủ từ đây ăn nên làm ra, gia đạo thuận hòa, người người an lạc, nạn tiêu tai giảm, toàn gia hưng thịnh.”

(Nguồn: Văn Khấn Cổ Truyền Việt Nam)

Văn khấn cúng về nhà mới bái cúng gia tiên

“Con niệm Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật

Con lạy ngài đương niên Thái Tuế chí đức tôn thần

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị tôn thần

Con kính lạy ngài Bản cảnh thành hoàng, ngài Bản xứ thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, cùng các chư vị tôn thần.

Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ (nếu bố mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ), chư vị hương linh nội ngoại họ:………………..

Chúng con là: ……………. (đọc tên lần lượt tất cả mọi người từ trên xuống dưới)

Hôm nay là ngày … tháng … năm … âm lịch

Chúng con thiết lập linh sàng, sửa biện lễ vật, dâng lên bàn thờ, trước linh tọa kính trình các cụ nội ngoại Gia Tiên. Nhờ hồng phúc Tổ Tiên, ông bà cha mẹ, chúng con đã tạo lập được ngôi nhà mới (nhập trạch về nơi ở mới). Nhân chọn được ngày lành tháng tốt, thiết lập án thờ, kê giường nhóm lửa, kính lễ khánh hạ. Tại địa chỉ:…………………………………….

Cúi xin các cụ, ông bà Tổ tiên cùng chư vị hương linh nội ngoại họ …………… thương xót con cháu, chứng giám lòng thành, giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho chúng con, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, cháu con được bình an, mạnh khoẻ xuất nhập hưởng phần lợi lạc. Anh linh chiếu giám, cảm niệm ơn dày. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Văn khấn nên đọc một cách rành mạch, thành tâm. Tránh trường hợp vừa khấn vái vừa nhắc nhở hoặc nói chuyện với người xung quanh.”

(Nguồn: Sách “Văn Khấn Cổ Truyền Việt Nam”)

Cúng nhà mới cần lưu ý gì?

Để đảm bảo lễ nhập trạch diễn ra thuận lợi và mang lại may mắn, gia chủ cần chú ý những điều kiêng kỵ sau:

  • Hoàn thiện nhà trước khi cúng: Không nên làm lễ khi nhà còn dở dang, chưa hoàn chỉnh.
  • Chọn đúng thời điểm: Tránh làm lễ vào những giờ không tốt hoặc nhập trạch vào ban đêm.
  • Tránh ngày xấu: Kiêng cúng vào những ngày hắc đạo có sao xấu chiếu như Trực Phá, Dương Công Kỵ.
  • Không nhập trạch vào giờ Ngọ: Giờ 11 giờ – 13 giờ (giờ Thê Hải) không tốt cho nghi lễ.
  • Phụ nữ mang thai và người tuổi Dần: Theo quan niệm dân gian, những người này không nên tham gia dọn dẹp nhà mới trong ngày nhập trạch.
  • Tránh xích mích: Không nên xảy ra tranh cãi hay xung đột trong ngày cúng.
  • Không ngủ trưa tại nhà mới: Kiêng ngủ trưa trong ngày nhập trạch để tránh sự trì trệ.
  • Không mang đồ cũ vào nhà mới: Tránh đi tay không vào nhà và không mang đồ cũ như chổi, bếp đã qua sử dụng vào nhà mới.
  • Giữ sự tĩnh lặng sau khi an vị bàn thờ: Sau khi đặt bàn thờ, tránh làm các việc đập phá hay đục đẽo ảnh hưởng đến không gian thờ cúng.
  • Tham khảo chuyên gia phong thủy: Để chọn ngày giờ tốt nhất dựa trên tuổi và mệnh, nên tham khảo ý kiến chuyên gia.
cúng nhập trạch
Lưu ý khi cúng Nhập Trạch (Ảnh: Internet)

Các câu hỏi thường gặp khi cúng nhà mới

Nhà chưa hoàn thiện có nhập trạch được không?

Nhà chưa hoàn thiện thì không nên cúng nhập trạch về nhà mới. Việc này có thể ảnh hưởng xấu đến khí trường của ngôi nhà, dẫn đến năng lượng không ổn định và tiềm ẩn những điều không may mắn cho gia đình. Khi nhà chưa hoàn thiện, các công việc xây dựng, đục đẽo sẽ gây xáo trộn không gian, đồng thời bụi bẩn và vật liệu ngổn ngang có thể tích tụ khí xấu. Việc nhập trạch sớm còn bị xem là thiếu tôn trọng đối với thổ địa và các vị thần linh cai quản khu vực.



 

Về nhà mới nên cúng trái cây gì?

Khi cúng về nhà mới gia chủ có thể chuẩn bị mâm ngũ quả với các loại trái cây như chuối, táo, cam, quýt, dưa hấu, bưởi, xoài, mãng cầu, đu đủ…

Theo phong thủy, mỗi loại quả trên mâm ngũ quả tượng trưng cho một ngũ hành khác nhau, với ý nghĩa cụ thể về màu sắc:

  • Chuối xanh: Tượng trưng cho hành Mộc, mang đến sự ổn định, vững chắc.
  • Dưa hấu, hồng (đỏ): Tượng trưng cho hành Hỏa, cầu mong may mắn, tài lộc.
  • Mãng cầu, lê (trắng): Tượng trưng cho hành Thủy, đem lại sự hanh thông, thuận lợi.
  • Bưởi, xoài (vàng): Tượng trưng cho hành Kim, biểu thị phú quý, giàu sang.
  • Dừa, hồng xiêm: Đại diện cho hành Thổ, mang ý nghĩa về sự bền vững, an yên.

Gia chủ có thể linh hoạt chọn các loại trái cây khác nhau (như táo, cam, nho, lê, dứa) miễn là đảm bảo đủ năm màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Mâm ngũ quả không chỉ là nghi lễ mà còn là cách thể hiện mong ước về một cuộc sống Phúc – Quý – Thọ – Khang – Ninh, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Nhập trạch có nhất thiết phải ngủ lại không?

Nhập trạch không nhất thiết phải ngủ lại nhà mới vào đêm đầu tiên sau khi nhập trạch. Việc này chủ yếu là quan niệm dân gian, không phải yêu cầu bắt buộc. Nghi lễ nhập trạch đã xác định chủ nhân ngôi nhà, việc ngủ lại tùy thuộc vào điều kiện của gia chủ.

Chuyển đồ trước nghi lễ nhập trạch có được không?

Được. Lễ nhập trạch được tính từ khi chủ nhà thực hiện lễ cúng. Gia chủ có thể lắp đặt hoặc chuyển đồ đến trước khi làm lễ chính thức.

Thuê nhà có cần làm lễ nhập trạch không?

Có. Các chuyên gia phong thủy khuyên rằng việc làm cúng nhà mới thuê là cần thiết để báo cáo với thần linh, thổ địa về sự hiện diện của gia đình, cầu mong bình an và may mắn. Với nhà thuê, chỉ cần thờ Thổ Công, Thần linh, không bắt buộc lập bàn thờ gia tiên. Lễ vật có thể đơn giản và chỉ cần đọc văn khấn thần linh.

Cúng nhà mới (nhập trạch) là nghi lễ tâm linh quan trọng của người Việt nhằm thông báo và xin phép thần linh, tổ tiên khi chuyển đến nơi ở mới. Lễ này có ý nghĩa xua đuổi năng lượng tiêu cực, mang lại bình an và may mắn cho gia đình. Cần lưu ý tránh ngày xấu, không làm lễ khi nhà chưa hoàn thiện, và giữ không khí trang trọng trong suốt buổi lễ. Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển nhà dịch vụ chuyển nhà trọn gói của Ahamove sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức.